Các sàn giao dịch hàng hóa Trung Quốc ngày 10/5 đã nâng mức giới hạn giao dịch và mức ký quỹ bắt buộc đối với một số hợp đồng quặng sắt, đồng thời khôi phục mức phí đối với các hợp đồng thép kỳ hạn tương lai, sau khi giá sắt thép tăng bùng nổ và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Trung Quốc là nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới và là nước tiêu thụ quặng sắt – nguyên liệu chính trong sản xuất thép - lớn nhất toàn cầu. Việc giá quặng sắt tăng đột biến gần đây xuất phát từ lo ngại về tình trạng nguồn cung.
Phiên 10/5, giá quặng sắt tại Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục cao mới, 1.326 CNY (207 USD)/tấn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận của các nhà máy thép.
Để đối phó với tình huống này, Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên cho biết sẽ nâng mức giới hạn giao dịch và yêu cầu ký quỹ đối với các hợp đồng quặng sắt kỳ hạn giao tháng 6, 9, 10 và 12, cũng như từ tháng 1 đến tháng 4/2022, bắt đầu từ ngày 11/5/2021. Ngoài thông báo này, Sàn Đại Liên không cung cấp bất cứ số liệu nào khác.
Yêu cầu ký quỹ là số vốn tối thiểu nhà giao dịch phải ký quỹ để được giao dịch hợp đồng kỳ hạn tương lai.
Thị trường chứng khoán Đại Liên trên website của mình cũng cảnh báo những người tham gia thị trường hãy kiểm soát rủi ro trong bối cảnh giá quặng sắt, than luyện cốc và than cốc biến động quá mạnh.
Sở Giao dịch hàng hóa kỳ hạn Thượng Hải ngày 10/5 cũng cho biết sẽ áp quy định đóng phí cho các hợp đồng thép thanh vằn và thép cuộn cán nóng kỳ hạn tương lai giao dịch nhiều nhất (hiện là kỳ hạn tháng 10) ở mức 0,01% tổng giá trị giao dịch, bắt đầu từ tối 11/5.
Thị trường quặng sắt toàn cầu nóng bỏng
Là mặt hàng nổi bật trong nhóm kim loại về tốc độ tăng giá, mặt hàng quặng sắt đã tăng 135% trong một năm qua, giữa bối cảnh nhu cầu mạnh mẽ (khi nền kinh tế Trung Quốc hồi phục nhanh sau đại dịch Covid-19) và sự gia tăng hoạt động mua đầu cơ. Nhiều chuyên gia tin rằng xu hướng tăng này chưa dừng lại.
Ngày 10/5, giá quặng sắt kỳ hạn tương lai giao dịch trên sàn Singapore đạt tới 226 USD/tấn, mức cao kỷ lục đối với hợp đồng giao sau tính theo USD. Trên sàn Đại Liên, trung tâm giao dịch hàng hóa chính thức của Trung Quốc, giá hợp đồng tham chiếu cùng ngày cũng tăng 10%.
Trong khi đó, S&P Global Platts báo giá quặng sắt hàng thực ngày 10/5 đạt kỷ lục, gần 230 USD/tấn.
Đánh giá về nguyên nhân giá quặng sắt tăng có những ý kiến không đồng nhất.
Wu Shiping, nhà phân tích của Tianfeng Futures trả lời phỏng vấn của Reuters cho biết: "Giá quặng sắt và thép tăng chủ yếu được thúc đẩy bởi giao dịch đầu cơ". "Hiện tại, những người tham gia thị trường đang giao dịch cả những thứ liên quan đến quặng sắt, như tiền điện tử, không dựa trên nguyên tắc cơ bản mà đơn giản chỉ là theo trào lưu", Giám đốc điều hành Atilla Widnell của Navigate Commodities trả lời phỏng vấn của IndiaTimes cho biết.
Trong khi đó, Vivek Dhar, nhà phân tích hàng hóa thuộc Commonwealth Bank of Australia, trả lời phỏng vấn của Bloomberg rằng thị trường "đang rất rất nóng. Nguồn cung vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu mạnh mẽ đó".
"Bây giờ không chỉ là Trung Quốc. . ." Justin Smirk, nhà kinh tế cấp cao tại Westpac, cho biết. Đó là toàn bộ sức mạnh của sự phục hồi trong ngành thép trên toàn cầu. "Tôi nghĩ rằng thực tế là thị trường vẫn cực kỳ eo hẹp, chúng tôi vẫn thấy giá thép tăng mạnh, rất mạnh."
Xuất khẩu quặng sắt từ Australia sang Trung Quốc đã bị giám sát chặt chẽ do căng thẳng địa chính trị dẫn đến việc áp thuế đối với các mặt hàng như lúa mạch, thịt bò và rượu vang. Các nhà máy Trung Quốc đang vội vã mua quặng sắt Australia càng nhiều càng tốt.
Quặng sắt là "một tài sản thực sự, vì vậy nó được coi là một biện pháp phòng ngừa lạm phát tốt. Tôi nghĩ đó là lý do tại sao chúng ta đang thấy các nhà đầu tư đổ rất nhiều tiền vào hàng hóa", ông Justin Smirk nói.
Còn chuyên gia Evy Hambro, người phụ trách đầu tư toàn cầu của BlackRock khi trả lời phỏng vấn của Bloomberg thì nói rằng: "Vẫn còn rất nhiều dư địa để tăng. Những gì chúng tôi thực sự đang làm là thử nghiệm các phạm vi thị trường hàng hóa (giá) ở mức cao hơn để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: Mức giá mới sẽ như thế nào?"
Giá thép bám sát quặng sắt
Giá thép trên thị trường toàn cầu đồng loạt tăng mạnh thời gian qua.
Giá thép cuộn cán nóng tại Mỹ đạt mức cao kỷ lục lịch sử vào tháng 4 vừa qua và vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại. Nguồn cung thép tại Mỹ được dự báo vẫn thiếu do chưa có sự cải thiện đáng kể trong cán cân cung - cầu. Dự báo giá thép ở Mỹ sẽ còn tiếp tục tăng.
Ở Châu Âu, xu hướng giá cũng tương tự. Giá thép cuộn cán nóng ngày 30/4 đã lần đầu tiên vượt mức 1.000 EUR (1.204 USD)/tấn. Các nhà sản xuất thép Châu Âu nâng giá chào bán hàng tuần, còn người mua thì lo ngại không mua được hàng nên ưu tiên đảm bảo nguồn cung hơn là thương lượng đẻ giảm giá. Dự báo trong thời gian tới, Châu Âu vẫn trong tình trạng thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng, có thể kéo dài tới cuối quý 3 năm nay.
Tại Trung Quốc, giá thép thanh vằn- được sử dụng rộng rãi trong ngành xây dựng - đã tăng lên 865 USD/tấn hiện nay, từ mức 660 USD/tấn đầu năm 2021. "Đây là mức giá kỷ lục, vượt qua mức cao kỷ lục trước đây ở giai đoạn bùng nổ trước năm 2010," Clarksons Platou Securities viết trong một thông báo gửi tới khách hàng của mình.
Sản lượng thép của Trung Quốc đã tăng 19% trong tháng 3 bất chấp những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kiềm chế sản xuất mặt hàng này để đạt mục tiêu về môi trường.
American Metal Market dự báo giá thép Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong tháng 5 này. Tuy nhiên, tổ chức này cho rằng giá thép Trung Quốc sắp đạt đỉnh, và đến gần cuối năm sẽ hạ nhiệt. Trong tương lai xa hơn, các nhà xuất khẩu thép cuộn cán nóng của Trung Quốc sẽ trở nên kém cạnh tranh hơn trên thị trường thép vận tải qua đường biển, do đó nguồn cung trên thị trường nội địa Trung Quốc sẽ tăng lên, trong khi các nhà sản xuất khác sẽ có thêm cơ hội cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu truyền thống của Trung Quốc.
Trước diễn biến về tình hình giá thép quốc tế và trong nước tăng mạnh gần đây gây ra tâm lý lo lắng trong dư luận xã hội, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) mới đây đã có công văn gửi các doanh nghiệp thành viên khuyến nghị tiếp tục phát huy công suất, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thép, đồng thời khuyến nghị các doanh nghiệp tổ chức hệ thống phân phối hợp lý để ổn định nguồn cung trong nước, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường; các doanh nghiệp tăng cường hợp tác phối hợp ưu tiên nguồn nguyên liệu và thép thô cho thị trường trong nước; tiết giảm chi phí sản xuất, đồng thời bảo đảm giá bán hợp lý để bình ổn giá cả thị trường thép trong nước.
VSA cũng đề nghị các doanh nghiệp thành viên cung cấp thông tin về công suất nhà máy và kế hoạch sản xuất bán hàng trong quý II/2021 và dự kiến cả năm 2021 để tổng hợp, báo cáo với cơ quan nhà nước và truyền thông, cung cấp thông tin đầy đủ đến người tiêu dùng thép góp phần đảm bảo bình ổn thị trường thép trong nước trong thời gian tới.
Với vị thế quan trọng hàng đầu thế giới trong ngành sắt thép, việc Bắc Kinh kiềm chế giá tăng mạnh chắc chắn sẽ có tác động tới thị trường này trong thời gian tới.
Vui lòng đợi ...